Gia nhập vào CADDi Việt Nam với mong muốn giải phóng tiềm năng của ngành công nghiệp sản xuất

  • Phạm Ngọc Trí
  • Global Logistics Manager

PROFILEPhạm Ngọc Trí

-11 năm làm trong mảng logistics và quản lý chuỗi cung ứng (11 years of experiences in logistics and supply chain management)
-Gia nhập CADDi từ tháng 9/2022 (Join CADDi from Sep 2022)
-Reason joined CADDI: Thích làm với các ý tưởng mới và môi trường có nhiều người trẻ (Like to work with new ideas and with young colleagues)

Hôm nay, tôi có cơ hội trò chuyện cùng anh Phạm Ngọc Trí – Trưởng bộ phận Global Logistics, một nhà quản lý  trẻ tuổi vừa mới từ bỏ công việc lương cao ở Hempel, một doanh nghiệp châu Âu với 107 năm lịch sử, để gia nhập vào CADDi Việt Nam, một start-up mới khai sinh tròn 4 tháng hoạt động tại Việt Nam.

Chào anh Trí, anh có thể chia sẻ với chúng tôi về kinh nghiệm làm việc cũng như cơ duyên nào khiến anh tham gia vào CADDi không?

Năm 2011, sau khi tốt nghiệp ngành Kinh tế đối ngoại, Trường Đại học Ngoại Thương, tôi bắt đầu sự nghiệp trong lĩnh vực logistics với vai trò là chuyên viên logistics trong một liên doanh giao nhận và vận chuyển. Theo thời gian, kinh nghiệm của tôi trải rộng sang các mảng khác nhau trong lĩnh vực logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Tôi từng đảm nhận nhiều vai trò trong mảng logistics và quản lý chuỗi cung ứng trong các công ty nhỏ ít người biết đến cho tới các công ty hàng đầu như Samsung SDS, Vingroup và Hempel.

Tôi may mắn có cơ hội làm việc và quản lý cho nhiều dự án logistics và quản lý chuỗi cung ứng: các dự án giúp khách hàng di dời nhà máy từ Trung Quốc và Hàn Quốc về Việt Nam, các dự án nhập khẩu máy móc tạo tài sản cố định cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (trong đó có nhiều hàng siêu trường, siêu trọng), các dự án quản lý và vận hành các trung tâm phân phối, dự án thiết lập và vận hành mạng lưới nhập khẩu và phân phối hàng hóa ở Myanmar, các dự án về cải thiện hiệu quả giám sát chuỗi cung ứng trong thời gian thực, …

Vậy điều gì ở CADDi khiến anh cảm thấy hấp dẫn để gia nhập?

Hằng năm, như một thói quen, tôi đều nộp hồ sơ cho một vài công ty để đi phỏng vấn để có được nhận định chung về yêu cầu trên thị trường lao động, đặc biệt là các kỹ năng đang được nhà tuyển dụng quan tâm và săn đón.

Khi qua được vòng phỏng vấn đầu tiên với nhân sự, tôi dành thêm nhiều thời gian để nghiên cứu và tìm hiểu thêm về CADDi và đặc biệt ấn tượng về sứ mệnh mà CADDi muốn thực hiện là “Unleash the potential of manufacturing”, tạm dịch là giải phóng tiềm năng của ngành công nghiệp sản xuất. Đặc thù của ngành công nghiệp sản xuất là một ngành rất lâu đời và cũng rất khó để thay đổi, vì vậy, vốn dĩ bản tính hiếu kì và thích chinh phục các thách thức, tôi quyết tâm để vào được các vòng phỏng vấn sâu hơn để tìm ra câu trả lời cho chính mình.

Lần lượt được trao đổi cùng anh Takei Daisuke – Trưởng đại diện văn phòng Việt Nam, rồi anh Kato Yushiro – CEO đồng là người sáng lập của CADDi Inc., tôi nhận thấy mô hình hoạt động của CADDi thật sự tiềm năng với cách sử dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ để chuyển đổi số trong ngành công nghiệp sản xuất bằng cách làm việc chặt chẽ với các đối tác sản xuất để có dữ liệu thực tế để tạo ra các phần mềm hỗ trợ từng công đoạn sản xuất, hướng tới tự động hóa và tối ưu hóa chuỗi cung ứng là cách làm khả thi. Cách làm này cũng phù hợp với kinh nghiệm và hướng phát triển sự nghiệp của tôi khi trước đây tôi làm việc cho Samsung SDS, có nhiều dự án quản lý chuỗi cung ứng phức tạp cần phải có các phần mềm chuyên biệt mới có thể dễ dàng quản lý được.

 

Ngoài ra, tại CADDi, môi trường làm việc bao gồm hầu hết là các bạn trẻ tài năng và nhiệt huyết cùng cách xử lý vấn đề mang tính logic cao và triệt để.

Đặc biệt, tôi có cơ hội gặp gỡ trực tiếp anh Daisuke Takei để trao đổi thêm và vô cùng ấn tượng với kinh nghiệm cũng như sự am hiểu của anh về chiến lược, cách quản lý, mục tiêu toàn cầu chứ không phải chỉ dừng chân tại thị trường Nhật Bản.

Với những điều như trên, tôi bị chinh phục hoàn toàn và lẽ đương nhiên, ngày hôm nay khi được trò chuyện cùng bạn, tôi đã chính thức là một thành viên của CADDi Việt Nam (cười).

Anh có thể chia sẽ rõ hơn về vai trò của mình tại CADDi Việt Nam?

Hiện tại, tôi cùng các đồng nghiệp Nhật Bản đang tới những đối tác sản xuất của CADDi ở Việt Nam, làm việc cùng họ trong các dự án nâng cao hiệu quả quản lý chuỗi cung ứng của chính bản thân nhà máy họ cũng như liên kết và kết nỗi chuỗi cung ứng của các nhà máy đó vào chuỗi cung ứng của CADDi. Chúng tôi hỗ trợ các đối tác sản xuất để để chuỗi cung ứng của họ trở nên hiệu quả và tối ưu hơn. 

Hiệu quả ở chỗ làm ra được sản phẩm chất lượng với chi phí thấp đồng thời phối hợp nhịp nhàng với các đối tác trong chuỗi cung ứng để mở rộng quy mô sản xuất. Tối ưu ở chỗ CADDi và các khách hàng cuối cùng nhận được đúng sản phẩm, đúng hạn, và đúng các yêu cầu khác như sự minh bạch, rõ ràng và linh hoạt của chuỗi cung ứng.

Ngoài ra chúng tôi cũng đang xây dựng và phát triển một hệ thống quản lý logistics và chuỗi cung ứng nội bộ với khả năng giám sát xuyên suốt chuỗi cung ứng trong thời gian thực từ nguyên liệu thô cho tới thành phẩm được giao cho khách hàng cuối cùng để hỗ trợ tích cực cho việc vận hành xuyên quốc gia của CADDi trong thời gian tới.

Là một doanh nghiệp trẻ, vậy văn hóa làm việc ở CADDi được xây dựng như thế nào?

Đa số mọi người ở CADDi đều là Gen Y nên môi trường làm việc rất trẻ và năng động. Tuy nhiên, đôi khi mình cũng thấy khá áp lực bởi vì có nhiều thành viên có kinh nghiệm làm việc nhiều năm ở các công ty lớn như Bosch, Denso, Magnussen, Misumi, Nippon Steel, Samsung SDS, Vingroup, … trước khi chuyển qua làm cho CADDi nên tiêu chuẩn hoàn thành công việc cũng khá khắt khe và đòi hỏi sự chuyên nghiệp cao.

Ở CADDi bạn có thể linh hoạt sắp xếp làm việc ở văn phòng công ty, làm việc từ xa ở nhà hoặc làm việc tại những đối tác sản xuất chứ không nhất thiết phải tới văn phòng đều đặn mỗi ngày.

Một điểm khá thú vị là tất cả các bạn đồng nghiệp người Nhật đều có thể nói tiếng Anh trôi chảy, một vài người thậm chí còn nói được tiếng Việt lưu loát, nên trong CADDi việc giao tiếp hầu như không gặp bất kỳ trở ngại nào.

Nếu phải kể ra một vài trở ngại nào đó khi làm việc ở CADDi thì tôi nghĩ đó là việc phải làm quen với một số phần mềm mới như Google Apps thay cho bộ Microsoft Office tôi thường dùng trước đây, tuy nhiên việc làm quen này cũng không mất nhiều thời gian vì chúng tôi có 2 tuần để được đào tạo bài bản và khoa học.

Câu hỏi cuối cùng cho buổi trò chuyện của chúng ta ngày hôm nay, anh có đánh giá gì về tình hình ở CADDi Việt Nam hiện tại?

Hiện tại ở CADDi Việt Nam, chúng tôi phải đối mặt với rất nhiều thách thức như làm thế nào để các đối tác sản xuất có thể gia công hiệu quả các đơn đặt hàng có số lượng bản vẽ rất nhiều lên tới hàng ngàn bản vẽ, nguyên liệu phôi kim loại theo tiêu chuẩn Nhật (JIS) ở Việt Nam không có sẵn, các đối tác sản xuất của chúng tôi chưa thể trong một thời gian ngắn vừa mở rộng quy mô sản xuất vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm…

Với việc nhận biết được những thách thức là gì, cùng với việc chúng tôi có những đồng nghiệp trẻ và tài năng, công việc tiếp theo mà chúng tôi cần phải làm cũng không quá khó khăn: đối với bất kỳ vấn đề nào cũng có thể giải quyết bằng cách chia nhỏ những gì khó khăn ra, thiết kế những gì cần thiết để giải quyết vấn đề đó, lập thứ tự ưu tiên, lên lịch trình giải quyết và phân bổ nguồn lực để giải quyết.